Các hãng ô tô sẽ phải trang bị công nghệ chống lái xe say rượu

Quốc hội Mỹ đã thông qua quy định bắt buộc các phương tiện chở khách mới xuất xưởng phải được trang bị công nghệ chống lái xe say rượu.

Phòng ngừa thay vì xử phạt

Andrew Martinez – một nghệ sĩ hip-hop đã qua đời trong một vụ TNGT xảy ra vào tháng 11/2019. Thủ phạm gây ra cái chết của anh là một chiếc SantaFe mất lái khi đang chạy với tốc độ 60 km/h được điều khiển bởi một tài xế say rượu. Anh trai của nạn nhân, Eric Martinez chia sẻ: “Thật đau buồn khi người thân của mình là nạn nhân của lái xe say rượu hay chính là lái xe say rượu.”

Hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng công nghệ để phòng ngừa thay vì xử phạt, Eric Martinez nói: “Nhiều người ủng hộ các biện pháp tăng nặng mức phạt hoặc án tù đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe nhưng những điều đó chỉ có thể thực hiện sau khi tai nạn xảy ra. Theo quan điểm của tôi, luật mới sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn vì nó là một biện pháp chủ động phòng ngừa và loại bỏ khả năng lái xe vi phạm nồng độ cồn trước khi bi kịch xảy ra.”

Công nghệ hoạt động như thế nào?

Cơ quan Quản lý An toàn giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn công nghệ cần thiết để làm tiêu chuẩn trên các phương tiện mới, có thể là một hoặc kết hợp 3 loại công nghệ: theo dõi hiệu suất lái xe, giám sát lái xe hoặc phát hiện nồng độ cồn.

Loại công nghệ thứ nhất là theo dõi hiệu suất lái xe để phát hiện tình trạng lái xe bất thường thông qua camera và cảm biến ở bên ngoài xe. Otte cho biết, hiện trên nhiều mẫu xe hơi đã cung cấp cảnh báo chệch làn đường.

Loại công nghệ thứ hai là giám sát người lái xe thông qua camera ở bảng điều khiển hoặc trong gương chiếu hậu để đánh giá ánh mắt của người lái. Camera sẽ phát hiện dấu hiệu lơ là quan sát của tài xế chẳng hạn như nhìn xuống quá lâu hoặc dấu hiệu không chú ý để hệ thống cảnh báo người lái. Hãng xe Volvos đã ra mắt công nghệ giám sát loại này từ năm ngoái và khi các cảm biến phát cảnh báo quá nhiều lần thì chiếc xe sẽ tự động dừng lại an toàn.

Hai loại công nghệ đầu tiên cũng có khả năng ngăn chặn những người bị ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân khác gây giảm tỉnh táo và mất an toàn khi lái xe.

Loại công nghệ thứ ba là phát hiện nồng độ cồn thông qua các cảm biến đặt trong nút khởi động hoặc vô lăng có thể phát hiện lượng cồn trong da hoặc mồ hôi của tài xế. Toyota đã quảng cáo hệ thống phát hiện nồng độ cồn gắn trong vô lăng và nhiều mẫu xe mới của hãng đã được trang bị công nghệ này để tự động đỗ lại khi phát hiện lái xe có dấu hiệu thiếu tỉnh táo.

Hàng nghìn sinh mạng có thể được cứu sống

NHTSA ước tính tình trạng lái xe say rượu liên quan đến 10.000 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ. Cứ 52 phút lại có một người chết vì TNGT liên quan đến rượu bia và sở cảnh sát Mỹ bắt giữ khoảng 1 triệu người/năm vì vi phạm nồng độ cồn.

Theo Liên minh Ô tô vì An toàn giao thông, đại diện cho các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, mẫu xe đầu tiên được trang bị công nghệ phát hiện nồng độ cồn sẽ được ra mắt vào cuối năm nay để làm tiền đề cho sản xuất thương mại. Công nghệ sẽ tự động phát hiện khi người lái xe có nồng độ cồn trong máu bằng hoặc cao hơn 0,08% (mức giới hạn quy định ở 50 bang) và sau đó vô hiệu hóa chiếc xe.

Được tài trợ một phần bởi chính phủ liên bang thông qua NHTSA, công nghệ này tập trung vào các cảm biến có thể đo nồng độ cồn trong không khí xung quanh người lái hoặc các cảm biến được gắn trong nút khởi động, vô lăng để đo nồng độ cồn thông qua mao mạch ở ngón tay người lái. NHTSA yêu cầu bất kỳ hệ thống giám sát nào đều phải hoạt động “nhanh nhạy, chính xác và không lộ liễu đối với người lái xe tỉnh táo.”

Ước tính, hơn 9.000 sinh mạng mỗi năm có thể được cứu nếu công nghệ này có thể được lắp đặt trên các mẫu ô tô mới, tuy nhiên điều này đang là bài toán khó cho các hãng sản xuất ô tô. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR), thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp ô tô là phải đưa ra một sản phẩm hoạt động hiệu quả và có giá cả phải chăng để lắp đặt trên hàng triệu xe mới. Giám đốc điều hành CAR, ông Carla Bailo nói: “Điều đó không hề dễ dàng như mọi người nghĩ vì một bộ cảm biến phát hiện lái xe suy giảm khả năng điều khiển có thể đắt tiền và phải đặc biệt hiệu quả vì các tài xế sẽ tìm mọi cách để đánh lừa nó.”

Một số người lo ngại rằng các công nghệ này – đặc biệt là máy kiểm tra nồng độ cồn trong máu bằng hơi thở hoặc mao mạch – có thể không chính xác. Bên cạnh đó là những lo ngại khả năng làm nảy sinh các vấn đề về quyền công dân khi hàng triệu người lái có thể bị hệ thống theo dõi và giám sát hoạt động.

Theo Tạp chí Giao thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *